Hôm nay, Công xin chia sẻ với các bạn một công cụ rất hữu hiệu để chúng ta có thể áp dụng trong hành trình khai vấn, nó sẽ giúp góp phần hiểu rõ hơn về khách hàng của mình. Các bạn cũng có thể sử dụng công cụ này để tự khám phá bản thân mình, đào sâu vào bên trong nội tại bản thân, biết thêm được những điều mới mẻ về chính mình. Đó là mô hình T.E.A trong khai vấn.
T – Thought (suy nghĩ); E – Emotions (cảm xúc); A – Actions (hành động). Ba yếu tố này sẽ tác động và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, một yếu tố thay đổi sẽ kéo theo các yếu tố còn lại thay đổi theo. Suy nghĩ của mỗi người tạo nên cảm xúc, cảm xúc sẽ kích hoạt tiềm năng để thúc đẩy hành động, mỗi hành động lại làm nảy sinh ra những suy nghĩ, vòng lặp cứ thế liên tục. Nếu khởi nguồn, bạn bắt đầu với một suy nghĩ tích cực, thì bạn sẽ có một vòng lặp tích cực, và ngược lại, chúng ta cũng sẽ có vòng lặp tiêu cực. Bằng cách hiểu được cơ chế của mô hình này, huấn luyện viên có thế tác động và gợi mở cho khách hàng/coachee của mình những điều mới mẻ, và thậm chí có thể thay đổi bản thân họ.
THOUGHTS – diễn trình nội tâm
Suy nghĩ là những câu chuyện nội tâm bên trong mỗi người, mà nó có khả năng tác động tới cảm xúc và hành vi của chúng ta. Mỗi người nhìn nhận thế giới xung quanh qua những bộ lọc riêng của bộ não họ, điều đó giải thích vì sao cũng một sự việc, hiện tượng, mỗi cá nhân lại có một nhận định, suy nghĩ riêng, không giống với bất kỳ ai khác. Suy nghĩ có thể dưới dạng một ý kiến, cũng có thể là một kí ức, một hình ảnh nào đó.
Nó thường có tồn tại khá ngắn trước khi chúng ta kịp định hình và chia sẻ chúng. Trước một sự vật, hiện tượng nào đó, bộ não chúng ta luôn được kích hoạt để sản sinh ra suy nghĩ, trước khi chúng ta có thể nhận ra được chúng ta có suy nghĩ ấy. Là một người huấn luyện viên, chúng ta phải biết được cách mà khách hàng suy nghĩ, thông qua cách họ giao tiếp, cách họ tiếp thu và qua các ngôn ngữ cử chỉ và các giác quan. Bằng cách đặt những câu hỏi “trúng”, người huấn luyện viên có khả năng nhận định được những yếu tố kích hoạt suy nghĩ của khách hàng, từ đó, chúng ta có thể định hình và tiến tới thay đổi cách suy nghĩ của họ.
EMOTIONS – trạng thái nội tâm
Cảm xúc là những phản ứng, sự rung động một người sinh ra trong quá trình tiếp xúc với các sự vật, hiện tượng và mối quan hệ ngoài thế giới xung quanh. Cảm xúc của chúng ta biến đổi thường xuyên liên tục trong cuộc sống hàng ngày. Đối với một số người, họ có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình khá tốt, trong khi với số khác, điều đó lại khó khăn. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể hiểu và làm chủ trạng thái cảm xúc của mình và kiểm soát được nó, chúng ta sẽ dễ dàng quyết định và hành động một cách đúng đắn và khôn ngoan hơn.
Cảm xúc ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của chúng ta khá nhiều, ví dụ khi bạn nói chuyện với một người không trung thực, hay xấc xược, thiếu tôn trọng. Cảm xúc của bạn về người đó sẽ khiến bạn trở nên đề phòng nhiều hơn và suy xét kỹ hơn những lời họ nói. Cảm xúc đôi khi cũng là chất xúc tác, thúc đẩy hành động của chúng ta, ví dụ như một nhân viên bán hàng, khi bị đặt vào trạng thái áp lực với doanh thu, họ sẽ phải tự bản thân làm việc chăm chỉ và năng suất hơn.
Biết được những tác động tích cực hay tiêc cực của cảm xúc lên cuộc đời mỗi người là điều rất quan trọng. Mỗi người huấn luyện viên cần nỗ lực để kiểm soát tốt được trạng thái cảm xúc của mình, có như vậy chúng ta mới có khả năng và động lực mang lại ảnh hưởng tới khách hàng hay coachee của mình.
ACTIONS – thái độ bên ngoài và ngôn ngữ
Hành động là những biểu hiện bên ngoài của chúng ta thông qua những việc chúng ta làm, điều chúng ta nói và thái độ ứng xử của chúng ta với thế giới xung quanh. Hành động được thúc đẩy và quyết định bởi cảm xúc và suy nghĩ bên trong chúng ta.
Ví dụ, với suy nghĩ về một cơ thể thon gọn, khoẻ mạnh, cảm xúc tự hào, hãnh diện khi chúng ta mặc những bộ đồ bó, tôn lên hình thể của mình trước mọi người, điều đó là động lực thúc đẩy chúng ta tập thể thao; khi chúng ta có suy nghĩ về việc đứng trên sân khấu hay bục giảng để chia sẻ những kiến thức của mình cho người khác, cảm xúc tự tin, được tôn trọng, ngưỡng mộ sẽ khiến chúng ta luyện tập, thực hành thuyết trình…
Tuy nhiên, để biến suy nghĩ thành hành động là cả một nỗ lực lớn, nói thì dễ, nhưng làm thì không đơn giản, và đây chính là nhiệm vụ của các huấn luyện viên, chúng ta sẽ là người dẫn dắt, thúc đẩy khách hàng của mình hành động, thông qua việc cam kết về những gì họ sẽ làm. Việc thực hiện hành động được coi là bước tiến trong hành trình khai vấn, tuy nhiên, nó chưa phải tất cả, để đạt được thành công, khách hàng cần duy trì hành vi ấy thường xuyên, lặp đi lặp lại trở thành thói quen của họ, điều này không hề dễ dàng, và một lần nữa vai trò của người huấn luyện viên lại được nhấn mạnh, chúng ta sẽ cần luôn ở bên đồng hành cùng khách hàng, củng cố cho họ niềm tin, cảm xúc để họ bước đi trên con đường hướng tới thành công.
Để có thể hiểu và thay đổi được người khác, mỗi chúng ta cần phải hiểu và khai phá được chính bản thân mình. Mô hình TEA không chỉ là công cụ giúp các huấn luyện viên khai vấn được con người khách hàng của mình, mà còn để giúp chính chúng ta trong cuộc sống.
Thế giới luôn vận động phát triển, con người cũng luôn cần phải hoàn thiện và nâng cấp mình hơn mỗi ngày.