Như Công đã chia sẻ từ bài viết trước, mỗi người chúng ta nên có cho mình một quan điểm làm việc rõ ràng và phù hợp ngay từ khi mới bước chân trên con đường sự nghiệp. Điều đó có thể coi như là kim chỉ nam giúp chúng ta vững tâm trên con đường đã chọn, và nó sẽ là động lực để mỗi chúng ta tiến xa hơn, hướng tới thành công. Hôm nay, hãy cùng Công phân tích những vai trò của quan điểm làm việc nhé!

ĐỂ CÓ THỂ CHỌN LỰA ĐƯỢC CÔNG VIỆC PHÙ HỢP
Chỉ khi bạn có cho mình một quan điểm rõ ràng về việc làm, bạn mới có thể tìm được công việc phù hợp với mình, nếu không bạn cứ mãi thử hết việc này tới việc kia, vừa mất thời gian, công sức mà nhiều khi không thu nhận lại được điều gì cả…Ví dụ khi bạn quan niệm bạn muốn làm những công việc về nghệ thuật, bạn thích sự sáng tạo, được thoải mái thể hiện bản thân, bạn sẽ chỉ khoanh vùng lựa chọn những công việc có liên quan tới nghệ thuật hay sáng tạo, đó sẽ là xuất phất điểm để cho bạn từ từ phát triển; hay ví dụ như bạn quan điểm công việc nhà nước ổn định, lâu dài mới là công việc tốt, thì bạn sẽ có xu hướng lựa chọn những công việc phù hợp với định hướng của bạn, tập trung vào những kĩ năng, kiến thức, cũng như phát triển những mối quan hệ để hướng tới công việc bạn cho là tốt…Như vậy, bạn phải biết mình muốn công việc như thế nào, mình nghĩ về khung cảnh mình sẽ làm việc ra sao, càng cụ thể bao nhiêu thì bạn sẽ càng dễ dàng tìm được công việc phù hợp với mình.

ĐỂ TÌM RA ĐỊNH HƯỚNG CỦA BẠN
Trong quá trình làm việc, cũng như trải qua bao nhiêu năm kinh nghiệm trên con đường sự nghiệp, Công có thể khẳng định, có rất nhiều người trong số chúng ta vẫn còn rất mông lung về công việc hay sự nghiệp của mình. Điều này một phần cũng là do nền giáo dục của chúng ta, vẫn chỉ tập trung hướng tới dạy kiến thức mà quên đi mất định hướng về công việc cho người học. Điều này dẫn tới hệ quả là rất nhiều bạn sinh viên ra trường mà trong đầu còn rất mông lung, hoang mang về con đường sự nghiệp phía trước, các bạn như con thuyền lạc lõng giữa biển khơi, không biết đi về đâu. Bản thân mỗi người chúng ta đôi khi cũng không biết mình muốn điều gì, mình muốn làm gì, dẫn tới việc, mọi người cứ để dòng đời thả trôi, thả đi đâu thì trôi tới đó. Bản thân Công trước kia, cũng chưa thực sự biết mình muốn gì, mình hướng tới điều gì, ra trường rồi cũng đi làm như bao người khác với một mục đích duy nhất là kiếm tiền, trang trải cho cuộc sống, lập gia đình, lấy vợ nuôi con. Đó đơn thuần chỉ là một bản năng làm việc, mà mình chưa thực sự đặt sự chú tâm nghiêm túc suy nghĩ về nó. Sau này khi được biết tới Coach, Công đã thực sự tìm thấy quan điểm làm việc của mình, và ý nghĩa của công việc mình sẽ mang lại cho bản thân cũng như công đồng. Từ đó, con đường Công đi ngày một rõ ràng hơn.

ĐỂ BẢO VỆ CUỘC SỐNG CỦA BẠN
Nghe có vẻ khá trừu tượng, nhưng đây là một vai trò rất quan trọng của quan điểm công việc đối với mỗi người. Khi bạn đã có cho mình một khuôn mẫu hoàn hảo về công việc bạn sẽ làm, bạn sẽ sử dụng nó một cách có hiệu quả. Không để công việc vượt quá tầm kiểm soát, ảnh hướng tới cuộc sống của bạn, đó là một cách bạn đang bảo vệ chính cuộc sống của mình khỏi chính công việc. Ví dụ: quan điểm công việc của Công đó là tất cả nhân viên và sếp không nên làm việc sau 5h, bởi vì khi đó chúng ta mới đảm bảo được thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức khoẻ cho ngày làm việc tiếp theo, và đó chính là một cách Công bảo vệ cuộc sống cá nhân, cũng như bảo đảm sức khoẻ thể chất, tinh thần cho những người nhân viên của mình. Công cũng có một góc nhìn công việc nữa đó là mọi người làm việc nên được cân bằng và cần được tận hưởng, đối với Công nếu chúng ta giành thời gian quá lâu cho một công việc mà nó không mang lại sự cân bằng trong cuộc sống cá nhân, hay ảnh hưởng tới đời sống của chính chúng ta thì chúng ta nên xem xét để thay đổi công việc….Như vậy có thể nói, quan điểm về công việc nó như một ranh giới để chúng ta kiểm soát và bảo vệ chính công việc của mình và cuộc sống cá nhân, nếu có khi vượt qua ranh giới đó, là một lần chúng ta cần được lưu ý, nếu quá nhiều lần hay thường xuyên vượt khỏi ranh giới ấy thì lúc đó công việc đã xâm phạm và làm tổn hại tới chính cuộc sống của chúng ta. Lúc đó, nó sẽ nên được cân nhắc có tiếp tục hay không.

ĐỂ SỐNG CUỘC SỐNG BẠN MUỐN
Đây là điều tất nhiên, công việc được coi là một phần của cuộc sống. Con người dành 1/3 thời gian của mình để làm việc, và khi chúng ta có một công việc như mong muốn, chúng ta sẽ tận hưởng cuộc sống công việc của mình. Lúc đó, không phải là chúng ta “bị” hay “phải” đi làm mà sẽ là “được” đi làm, được “cống hiến”, được “tận hưởng” niềm vui lao động. Để công việc không trở thành gánh nặng trên vai mà mỗi ngày chúng ta phải đánh vật với nó, mỗi người hãy xác định cho mình một quan điểm làm việc phù hợp và lựa chọn những công việc thoả mãn quan điểm đó. Chỉ có như vậy, mỗi ngày đi làm mới là một ngày vui và tận hưởng cuộc sống.

#Coach#trần_tiền_công

Bài viết liên quan