Rất nhiều học viên và cả các huấn luyện viên đang làm nghề đã hỏi Công câu hỏi này, đối với Công, điều quan trọng nhất trong quá trình khai vấn đó là chúng ta hãy làm sao truyền cho người khác cảm nhận được sự ẤM ÁP từ bản thân mình. Đó là kỹ năng quan trọng và quyết định nhất.
Sự ẤM ÁP là một khái niệm khá trừu tượng, nó không chỉ mang ý nghĩa về trạng thái thể chất mà quan trọng hơn là trạng thái bên trong cảm nhận của mỗi người. Ví dụ khi chúng ta vào một nhà hàng nào đó, chúng ta có thể cảm nhận được không khí ấm cúng của không gian, ánh đèn, nội thất, âm thanh, sự niềm nở, quan tâm của nhân viên, bầu không khí của những con người trong nhà hàng đó….tất cả tổng hoà của các yếu tố đó khiến cho chúng ta cảm nhận được sự ấm áp của địa điểm đó, nó khiến chúng ta thấy thoải mái, dễ chịu khi được ở trong không gian đó. Đối với hoạt động khai vấn, sự ấm áp là khi khách hàng hay coachee đến với huấn luyện viên, ngồi lại với nhau, họ cảm nhận được sự nồng ấm từ phía người đối diện, ở một góc độ nào đó, nó là cảm giác an tâm, tin tưởng vào đối phương.
Sự ấm áp là nền tảng cho mọi hành trình khai vấn, tất cả những quy trình, kỹ thuật…đều sẽ trở nên vô nghĩa và không hiệu quả nếu không có sự ấm áp trong các buổi hiện diện của huấn luyện viên với coachee của mình. Sự ấm áp là tổng hoà của nhiều yếu tố, đó có thể là không gian của buổi gặp mặt, là trang phục, cử chỉ, lời nói…. của huấn luyện viên với coachee của mình, có nhiều huấn luyện viên sử dụng rất thành thạo các bảng câu hỏi, các mô hình, quy trình trong khi khai vấn với khách hàng, tuy nhiên, lại chưa kiến tạo nên được cảm giác nồng ấm với khách hàng, điều này khiến cho hiệu quả của cuộc nói chuyện có thể giảm đi một phần nào đó, nếu tình trạng đó không được cải thiện sẽ dẫn tới ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả của cả hành trình khai vấn. Để tạo được cảm giác ấm áp cho đối phương, đòi hỏi người huấn luyện viên phải kết hợp nhuần nhuyễn nhiều kỹ năng, từ quan sát tới lắng nghe, từ phân tích tâm lý, hành vi, rồi đến khi đồng cảm cùng với khách hàng của mình. Đây không phải điều có thể dễ dàng thực hiện ngay lập tức, mà cần thời gian nghiêm túc đầu tư tâm trí của mỗi huấn luyện viên. Để biết mình có thể mang lại được sự ấm áp cho người đối diện hay không, hãy thử nói chuyện hoặc chia sẻ với những người thân, bạn bè, đồng nghiệp và xin phản hồi từ họ. Chúng ta có thể thay đổi và điều chỉnh bản thân từ từ từng bước, chúng ta có thể nói chậm rãi hơn, lắng nghe nhiều hơn, sử dụng những cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể linh hoạt hơn….để có thể trở nên thân thiện, hoà đồng hơn với mọi người, dần dần sẽ mang lại cho họ sự ấm áp, niềm tin và thiện cảm.
Nếu các bạn muốn biết cụ thể hơn các cách để tạo thiện cảm với người khác trong hoạt động khai vấn, hãy theo dõi và chờ đợi thêm những bài chia sẻ sắp tới của Công nhé!