Chánh niệm và Khai Vấn
Liệu pháp nâng cao sự tỉnh thức (hay còn gọi là chánh niệm) hiện nay đang được nhiều người biết đến. Trước đây vốn là một kỹ thuật thiền thường được các vị thầy tâm linh thực hành và hiện đang dần trở thành một công cụ được nhiều người biết đến và thực hành với mong muốn cải thiện hiệu quả tương tác giữa con người; giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm; đồng thời tăng mức độ hài lòng, hạnh phúc và năng suất làm việc.
Vậy chánh niệm là gì? Nhiều người định nghĩa rằng đó là trạng thái nhận biết rõ ràng và có ý thức về suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, không cố gắng xua đuổi chúng. Chánh niệm và sự hiện diện là hai trạng thái khác nhau nhưng có mối quan hệ rất gần gũi, luôn song hành với nhau. Hiện diện là ngừng quan tâm (về những ý nghĩ không liên quan), còn chánh niệm là tập trung quan sát và quan tâm. Tuy nhiên, chánh niệm phụ thuộc chặt chẽ vào hiện diện.
Một người không thể giữ được sự tỉnh thức nếu họ không tập trung vào hiện tại, ngay trong khoảnh khắc này. Ngược lại, để hiện diện cũng cần có chánh niệm. Nếu muốn kiểm soát nội tâm đầy xáo trộn, cần hiểu biết về tinh thần và cảm xúc của bản thân.
Khi thực hành chánh niệm, bạn cần sẵn sàng thay đổi, điều chỉnh và đối diện với những cảm xúc bất ngờ mà không tác động đến chúng. Sẽ có những cảm xúc tích cực, vui vẻ và bạn muốn được trải nghiệm nhiều hơn, nhưng cũng có những suy nghĩ làm cho bạn khó chịu, khổ sở và bạn sẽ có xu hướng đẩy chúng đi càng xa càng tốt.
Hãy nỗ lực chống lại cả hai mong muốn này, chỉ quan sát suy nghĩ và cảm xúc từ một góc nhìn khách quan. Cố gắng ngăn bản thân lại khi bạn bắt đầu phán xét sự việc là đúng hay sai, tốt hay xấu, hữu ích hay vô dụng. Khi dần dần quen thuộc với sự thay đổi thường xuyên của tâm trí, bạn sẽ bắt đầu nhận ra mô thức của chúng. Và khi đã biết được chúng thật sự là gì, bạn sẽ ít bị cuốn theo câu chuyện ngoài lề đang diễn ra trong tâm trí hoặc không còn bị mắc kẹt trong vòng xoáy cảm xúc.
Sự tỉnh thức cao độ giúp nhà khai vấn dồn toàn bộ năng lượng và sự chú tâm vào cuộc đối thoại, gia tăng năng lực thấu cảm, kết nối sâu sắc với Nhân tài và tìm ra điều quan trọng đối với Nhân tài. Không chỉ tập trung vào những lời Nhân tài nói mà còn cả những tín hiệu phi ngôn ngữ như giọng điệu, thái độ, ngôn ngữ cơ thể và mức năng lượng của họ. Hãy tạm dừng và thường xuyên suy ngẫm sau khi Nhân tài chia sẻ.
Tạo khoảng lặng trong Khai Vấn
Đối với nhiều người, im lặng là một tình trạng khó xử và không thoải mái, do đó họ thường chủ động né tránh sự im lặng. Ví dụ như, khi cuộc trò chuyện bất ngờ bị gián đoạn, họ sẽ ngay lập tức lấp đầy khoảng lặng đó bằng vài câu đãi bôi, kể những câu chuyện không đầu không đuôi. Bởi vì họ cũng như chúng ta đã quá quen thuộc với tình trạng mỗi ngày đều bị nhấn chìm trong thế giới âm thanh từ khi thức dậy cho đến lúc thiếp đi: Tiếng chuông báo thức, nhạc nền, chuông điện thoại, tiếng trò chuyện của mọi người. Và khi chúng cộng hưởng với tiếng lao xao của hàng ngàn suy nghĩ trong đầu thì chúng ta còn rất ít không gian để cảm nhận sức mạnh của sự tĩnh lặng.
Tĩnh lặng không phải là thiếu năng lượng, thật ra ngược lại mới đúng. Sự tĩnh lặng có sức mạnh thúc đẩy người ta đào sâu suy nghĩ, quay về bản thân và nhìn nhận bao quát hơn. Nó khắc chế sự tất bật của cuộc sống thường ngày và nhờ vậy nâng cao chất lượng của cuộc đối thoại khai vấn. Tương tự như khoảng lặng giữa những nốt nhạc để thính giả thưởng thức giai điệu, sự im lặng giữa cuộc trò chuyện cho phép Nhân tài điều chỉnh sự chú ý trở về chính mình, gác lại nhu cầu phản hồi/kết nối với người khác, bỏ qua cái tôi và đối thoại sâu sắc với bản thân.
Nếu cuộc trò chuyện diễn ra liên tục, cả nhà khai vấn lẫn Nhân tài không ngừng chia sẻ mọi suy nghĩ và cảm xúc ngay khi nó xảy ra thì cả hai đều không có cơ hội tạm dừng và ngẫm nghĩ xem mình đã nói gì. Chính việc thiếu suy ngẫm sẽ khiến cho buổi đối thoại trở nên hời hợt. Khi các nhà khai vấn tạo ra một không gian, một môi trường an toàn được thiết kế riêng cho Nhân tài, sự suy ngẫm đích thực sẽ xảy ra và các giải pháp tiềm tàng sẽ được khám phá.