Nghề khai vấn/Coaching là một nghề còn khá mới mẻ tại Việt Nam nói riêng và tại châu Á nói chung, theo thống kê của ICF (Liên đoàn khai vấn quốc tế) tới tháng 3/2021, thành viên tại châu Á chỉ chiếm 9% trên tổng số gần 44 nghìn thành viên trên thế giới của tổ chức này. Nghề khai vấn cũng là một nghề có thu nhập khá hấp dẫn và cạnh tranh với thu nhập trung bình của thế giới lên tới 47,000$/năm, theo báo cáo cũng của ICF, tại châu Á, thu nhập trung bình của một huấn luyện viên khai vấn có thể đạt được khoảng 33,600$/năm. Có rất nhiều bạn đã hỏi Công, vậy muốn làm nghề khai vấn, bạn cần phải có những tố chất hay yêu cầu gì? Hôm nay, Công sẽ chia sẻ cùng các bạn những điều mà một huấn luyện viên khai vấn cần phải có, các bạn hãy cùng xem mình có phù hợp với nghề nghiệp thú vị này không nhé!

1. Bạn có yêu thích trong việc lắng nghe, giúp đỡ thay đổi chất lượng cuộc sống người khác hay không?
Coaching là mối quan hệ mang tính cá nhân rất cao, mà ở đó, chúng ta đóng vai trò là những người hỗ trợ đồng hành. Như Công đã từng chia sẻ ở những bài viết trước về khai vấn, 70-80% thời gian trong khai vấn là chúng ta dành để lắng nghe, chứ chúng ta không phải là đưa lời khuyên. Nếu chúng ta không lắng nghe hoặc không muốn lắng nghe người khác, thì có lẽ công việc này sẽ không phù hợp với các bạn. Lắng nghe là kĩ năng then chốt trong Coaching, chỉ có lắng nghe, chúng ta mới có dữ liệu, công cụ để kết nối với khách hàng đối phương, và đó là con đường duy nhất giúp chúng ta đồng cảm và đồng hành cùng họ, trong suốt quá trình khai vấn. Nếu bạn thực sự có mong muốn được lắng nghe người khác, mong muốn được giúp người khác thay đổi cuộc sống của họ một cách tốt đẹp hơn, thì bạn đã có những viên gạch đầu tiên cho hành trình xây dựng sự nghiệp khai vấn của mình.

2. Liệu bạn có sẵn sàng học hỏi với tâm trí rộng mở để tiếp thu những kiến thức mới thay đổi chất lượng cuộc sống con người?
Câu hỏi này là câu hỏi về khả năng thay đổi bản thân cá nhân của chính bạn – một huấn luyện viên khai vấn – bạn có tự tin rằng mình có thể thay đổi bản thân mình để đến với coach hay không? Bởi nếu ngay chính bản thân bạn, bạn còn chưa cải thiện được thì làm sao bạn có thể giúp người khác thay đổi cuộc sống của họ. Trong những buổi học Coach mà Công đã từng đứng lớp, Công nhận thấy một điều rằng: không phải ai đi học cũng có thái độ và tâm trí rộng mở, có nhiều người đi học để xem mình biết nhiều tới đâu, có nhiều người đi học để xem thầy nói những cái gì, những điều gì mình có thể soi xét, bắt lỗi được không. Những kiến thức về khai vấn có thể khác rất nhiều so với những tư duy cũ mà chúng ta đã biết, vì vậy nếu bạn không chuẩn bị cho mình một tâm trí rộng mở, một tâm thế sẵn sàng bước ra khỏi những vùng an toàn trước đây mình đã từng xây dựng, thì bạn sẽ không thể đạt được thành công trong công việc. Nếu bạn muốn trở thành một người thầy tốt, hãy bắt đầu từ việc trở thành một người học trò tốt. Khi muốn trở thành một người có thể coach được người khác tốt, bạn phải là người học để coach tốt trước đã.

3. Bạn có bị áp lực kiếm tiền nhanh ngay trong năm đầu tiên không?
Đây là một điều khá quan trọng khi bạn đến với nghề khai vấn, khi Công làm việc hoặc nói chuyện với những học viên của mình, Công luôn xác định với họ rằng: các bạn hay có tầm nhìn cho mình từ 1-3 năm. Khi bị áp lực kiếm tiền nhanh, bộ não của chúng ta sẽ trở nên không được minh mẫn, và sáng suốt, khi bạn bị bất cứ một áp lực nào đấy đè nặng lên tâm trí, bạn sẽ không thể tận hưởng được tất cả những giá trị cốt lõi, sâu xa mà công việc khai vấn mang lại. Tất cả những gì bạn hướng tới chỉ là làm sao chốt được deal, chốt được khách hàng, doanh số…, bạn quên mất rằng mình đang làm một công việc liên quan tới dịch vụ, liên quan tới những giá trị tinh thần nhiều hơn là vật chất. Khi bạn bị gánh nặng phải kiếm tiền nhanh đè nặng lên tâm trí, lúc đó việc chú tâm vào câu chuyện bạn đối thoại cùng khách hàng của mình sẽ không còn là tập trung vào phục vụ, giúp đỡ khách hàng nữa, mà thay vào đó là việc làm sao chúng ta lấy lại được nhiều nhất, kiếm tiền được nhiều nhất. Đối với nhiều khách hàng, họ có khả năng nhận ra được điều đó trong quá trình bạn đồng hành với họ, một khi bạn không chú tâm vào với cốt lõi công việc, sự chân thật sẽ dần dần mất đi, và khi đó, bạn sẽ không thể đồng điệu và “chạm” tới khách hàng của mình, nói cách khác, bạn đã thua trong việc mang lại hiệu quả tới khách hàng, bạn sẽ không còn giữ được uy tín và trách nhiệm của mình nữa. Nghề khai vấn, bản chất của nó là một công việc mang ý nghĩa nhân văn rất cao, hãy để công việc ấy vẹn tròn khi bạn mang tới cho khách hàng. Khi bạn đã cảm nhận được điều ấy và đi đúng con đường nghề nghiệp khai vấn, bạn sẽ thấy công việc này không chỉ mang lại cho bạn vật chất, thu nhập mà còn cả sự biết ơn, thậm chí cả sự tri ân từ khách hàng. Thu nhập sẽ là kết quả, hệ quả của toàn bộ sự nỗ lực, tập trung, của tình yêu, tâm trí mà bạn dành cho khách hàng.

4. Bạn có cam kết dành 5-10 giờ mỗi tuần cho 1 năm đầu tiên cho mục tiêu phát triển sự nghiệp Coach này hay không?
Trong cuộc sống này sẽ không có gì xảy ra, nếu bạn không đổ mồ hôi, sôi nước mắt, dành thời gian đầu tư tâm trí, công sức của mình vào đó. Nghề khai vấn không phải là nghề “chém gió kiếm tiền”, bạn phải dành thời gian cho nó, tập trung và hiện diện với nó, có như vậy, công việc mới đền đáp cho bạn được, nếu không thì bạn mãi sẽ chỉ như một người “cưỡi ngựa xem hoa” với Coach mà thôi. Để trở nên chuyên nghiệp và thành thạo trong một công việc nào đó, chỉ có duy nhất một cách là bạn phải dành thời gian, chuyên tâm với nó, đầu tư trí lực cùng với nó, không gì là tự nhiên có cả. Tất nhiên, sau khi bạn đã hoàn thành khoá học, bạn đã có thể kiếm tiền ngay được rồi, nhưng để có thể vươn lên những cấp độ cao hơn, chuyên nghiệp hơn trong nấc thang phát triển nghề nghiệp, bạn phải đầu tư thời gian và công sức nhiều hơn, khi bạn đã trở thành “bậc thầy” trong một lĩnh vực nào đó, giá trị của bạn sẽ được nâng cao hơn, khách hang của bạn cũng sẽ được nâng lên một tập khách hàng mới, và chắc chắn thu nhập lúc này của bạn cũng sẽ tương xứng. Công luôn muốn các bạn gắn bó và dành tình yêu cho khai vấn, một khi các bạn đã xác định lựa chọn nó, Công muốn các bạn có thể kiếm tiền một cách bền vững từ Coach, chứ không phải kiếm tiền một cách lên xuống “trồi sụt”.

5. Động lực thực sự của bạn khi đến với Coaching là gì? Đó là theo đuổi một công việc ý nghĩa, tiếng gọi con tim hay là cách giúp tôi kiếm tiền nhanh?
Đây là câu hỏi Công muốn các bạn phải nhớ và khắc ghi trong lòng, thậm chí, hãy ghi ra một mẩu giấy, và gắn nó vào nơi dễ thấy nhất, để mỗi khi bạn thấy nản lòng, khi bạn gặp khó khăn, hãy nhìn vào đó, để bạn thấy được điều gì đã khiến bạn bắt đầu. Đây chính là động lực đến với khai vấn của bạn, là điều thúc đẩy bạn tới với khai vấn, hãy luôn ghi nhớ nó trên hành trình công việc của mình. Công muốn nhắc các bạn rằng “KNOW YOUR WHY”, hãy luôn phải hiểu cái “tại sao” của mình, tại sao mình đến với Coach? Tại sao mình yêu thích và lựa chọn nó? Khi bạn đã hiểu được cốt lõi cái tại sao của bất kỳ vấn đề nào đó, là bạn đã quyết định được 80% sự thành công của nó. Bạn phải hiểu được “WHY” – tại sao – đầu tiên, sau đó bạn mới tiến hành “HOW” – cách thức – như thế nào.

Công muốn nhấn mạnh ở đây chính vai trò quan trọng của động lực, mục đích lớn lao của hành động, sau đó mới tới cách thức. Động lực đủ lớn, chúng ta mới có đủ tự tin, năng lượng để thực hiện nó, mặc dù cách thức có khó khăn, trắc trở tới đâu, nếu bạn luôn giữ vững được “ngọn lửa” mục đích trong tâm mình luôn cháy sáng, bạn sẽ vượt qua được tất cả.

Bạn đã trả lời hết được 5 câu hỏi trên hay chưa? Nếu bạn có thể hiểu và đồng tình được những câu trả lời của mình với những câu hỏi trên, thì bạn có khả năng phù hợp với nghề khai vấn rồi đó, nếu bạn muốn học về khai vấn và tìm hiểu sâu hêm những điều thú vị, kì diều mà công việc này mang lại thì hãy tới với Công và những cộng sự của Công tại VCI – môi trường đào tạo và khai vấn chuyên nghiệp tại Việt Nam. Công và các cộng sự của mình sẽ cùng đồng hành với bạn trên con đường chinh phục nghề khai vấn.

#coach#trần_tiến_công

Bài viết liên quan